TIẾP NHẬN HỆ HÌNH PHƯƠNG TÂY Ở VIỆT NAM THỜI KỲ HẬU THUỘC ĐỊA

Ngày 27 tháng 7 tại thành phố Hồ Chí Minh, TS Phạm Văn Quang đã có buổi nói chuyện với chủ đề "Tiếp nhận hệ hình phương Tây ở Việt Nam thời kỳ hậu thuộc địa", trong khuôn khổ chương trình Seminar định kỳ của Viện Hợp Tác Nghiên cứu Quốc Tế - Đại học Thái Bình Dương (Nha Trang).

 

TS Phạm Văn Quang

 

Diễn giả đã giải thích những khái niệm “hệ hình”, “hậu thuộc địa”, sự tương quan giữa phương Tây và phương Đông. Ông cho rằng những ảnh hưởng của hệ hình phương Tây được thực hiện thông qua giáo dục, đặc biệt là thông qua giới trí thức tinh hoa. Ngoài ra, diễn giả cũng giải thích tại sao hệ hình phương Tây lại có một sức hút lớn đến như vậy đối với trí thức Việt Nam thời hậu thuộc địa: sự tiếp nhận của hệ hình phương Tây chính là hệ quả của thời kỳ thuộc địa, hệ quả của sự khủng hoảng, xung đột và sự vỡ mộng với lời hứa của Lịch sử.

Ông Phạm Văn Quang mô tả lại phong trào học thuật ở miền Nam trước năm 1975 đã tái cấu trúc lại hệ hình tư tưởng phương Tây thông qua các cuộc tranh luận học thuật giữa các Giáo sư Triết ở Đại học Văn khoa ( Lê Thành Trị, Trần Thái Đỉnh) và những thành viên của Đại học Vạn Hạnh (Phạm Công Thiện, Ngô Trọng Anh, Lê Tôn Nghiêm). Cuộc tranh luận này cho thấy sự tiếp nhận và cập nhật tư tưởng phương Tây rất nhanh chóng vào thời điểm đó, góp phần vào sự phát triển nền học thuật Miền Nam. Ngoài ra, nó còn phản ánh hiện trạng của giới trí thức trước 1975 trong việc đặt lại giới hạn mà triết học phương Tây gặp phải. T.S Phạm Văn Quang cũng trích dẫn một quan điểm mà ông rất yêu thích của Tạp chí Tư Tưởng ( 1967-1975) của thượng tọa Thích Minh Châu: “ Mỗi người đều chịu trách nhiệm cuộc phân hóa của quê hương hiện nay, mỗi người đều có tội, mỗi người đều đồng lõa với sự tương tàn huynh đệ, máu đổ, nhà tan. Tất cả chúng ta đều đồng lõa với cuộc chiến tranh này, dù tham chiến hay không tham chiến. Chúng ta đồng lõa bằng cuộc sống nông nạn, bằng tình cảm yếu đuối, bằng thành kiến cố định, bằng sự bảo vệ bản ngã, bằng lý tưởng giả đạo đức, nhất là bằng tất cả sự sợ hãi, dưới đủ mọi hình thức ”. Một ví dụ để thấy rằng trong thời kì này, giới tinh hoa Miền Nam đã thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề hệ trọng của thời đại.  

Các thảo luận của công chúng xoay quanh việc tiếp nhận hệ hình phương Tây tại Việt Nam. Chủ đề này cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khác. Ông Hoàng Phong Tuấn quan tâm đến nội hàm khái niệm “hệ hình”. Bà Nguyễn Hồng Cúc đã chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi được học với các giáo sư Triết học ở Đại học Văn Khoa lúc bấy giờ. Ông Đinh Hồng Phúc nhận định rằng tạp chí Tư Tưởng và nhóm trí thức của Đại học Vạn Hạnh có hai đóng góp quan trọng: tạo ra được môi trường tranh luận học thuật sôi nổi và đóng góp những thành tựu quý giá cho nền dịch thuật  Việt Nam, đặc biệt là giúp phát triển hệ thống thuật ngữ của ngành khoa học xã hội và nhân văn. Ngoài ra ông Phúc cũng nhận thấy rằng việc hình thành nhiều nhóm khác nhau trong sinh hoạt trí thức thời hậu thuộc địa ở Miền Nam đã tạo ra một môi trường cạnh tranh rất hữu ích cho sự phát triển của đời sống học thuật. Ông Huỳnh Duy Thanh nêu một số nhận xét về công việc dịch thuật và nghiên cứu của thế hệ trí thức trước năm 1975. Bà Bùi Trân Phượng đồng tình với quan điểm của ông Đinh Hồng Phúc, bà cũng đặt niềm tin và sự kỳ vọng cho nền giáo dục của Việt Nam, với mong muốn Việt Nam không chỉ thừa hưởng những thành quả của nền giáo dục thế giới mà còn phải bình đẳng với thế giới, và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

 

 

                                                                                                                          Nguyễn Thúy Vân                  

 

Bản tin đã được đăng tại Tạp chí Văn hóa Nghệ An

Link tham khảo: tại đây

 

 

Bài viết liên quan

 

.