BIỂN ĐÔNG VÀ VAI TRÒ CỦA LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

Seminar định kỳ của Viện Hợp Tác Nghiên Cứu Quốc Tế - Đại học Thái Bình Dương vừa diễn ra vào ngày 26.10.2019, với chủ đề “Biển Đông và vai trò của luật pháp quốc tế”, do diễn giả Hoàng Việt thuyết trình.

 Ông Hoàng Việt - giảng viên trường Đại học Luật, đồng thời là thành viên Ban nghiên cứu Luật biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam – đã giới thiệu cho công chúng Tp Hồ Chí Minh các nội dung chính: tầm quan trọng của Biển Đông, thực chất các tranh chấp tại Biển Đông, và vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề Biển Đông.

Về tầm quan trọng của Biển Đông, ông Việt làm nổi bật các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật (dầu mỏ, khí đốt, băng cháy – nguồn tài nguyên này sẽ mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ), và loại tài nguyên đặc biệt: tài nguyên vị thế, vị thế của Biển Đông mang lại những lợi ích to lớn.

Khu vực biển Đông bao gồm những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất của thế giới, trong đó, các tàu chở hàng hoá đi qua eo biển Malacca (nằm ở cuối phía Tây Nam của biển Đông) nhiều gấp ba lần so với lượng tàu chở hàng hoá đi qua kênh đào Suez, và nhiều gấp năm lần so với lượng tàu qua kênh đào Panama. Ngoài việc đây là con đường hàng hải quan trọng thì biển Đông cũng là một khu vực giàu tài nguyên bao gồm nguồn hải sản và tiềm năng dầu khí. Với công nghệ khai thác dầu khí như hiện nay cùng với những tiềm năng rất lớn về dầu khí trên các thềm lục địa, các khu vực biển khác thì biển Đông sẽ thực sự là một khu vực chiến lược quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào trong khu vực và đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, một quốc gia đầy tham vọng muốn gây ảnh hưởng đến toàn thế giới. Với tham vọng vươn ra đại dương, Trung Quốc đã hình dung ra hai chuỗi đảo chính , trong đó biển Đông nằm trong chuỗi đảo số 1, như là cửa ngõ để Trung Quốc có thể vươn ra chuỗi đảo số 2, dần dần mở dần sự thống trị tới Ấn Độ Dương, rồi tới Thái Bình Dương, từ đó có thể thỏa mãn giấc mộng siêu cường. Ngoài quần đảo Hoàng Sa (Paracels) đang là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) thì quần đảo Trường Sa (Spratlys) cũng là đối tượng tranh chấp của Brunei, Trung quốc (bao gồm cả Đài Loan), Malaysia, Philippines và Việt Nam. Các tranh chấp này bị chi phối rất nhiều bởi các yếu tố kinh tế, luật pháp, ngoại giao chiến lược và các lợi ích địa - chính trị khác nhau cùng đan xen,  nó cũng ảnh hưởng đến một loạt các quan hệ song phương giữa các quốc gia trong khu vực và gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đối với khối ASEAN.

Ông Hoàng Việt trình bày cho công chúng toàn cảnh tranh chấp Biển Đông.

Cuộc tranh chấp Biển Đông diễn ra trong bối cảnh của Hội nghị Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc lần thứ III (UNCLOS III). Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc được thông qua ngày 30 tháng 4 năm 1982 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 16 tháng 11 năm 1994. Cho đến nay, tất cả các quốc gia trong khối ASEAN và Trung Quốc đã trở thành thành viên của Công ước này.  Công ước này đã quy định về thẩm quyền pháp lý đối với các vùng biển của các quốc gia ven biển.  Theo quy định tại Công ước này thì lãnh thổ của các quốc gia ven biển (coastal states) có thể mở rộng lãnh hải tới 12 hải lý tính từ đường cơ sở (base line), vùng tiếp giáp lãnh hải kéo dài 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Và như vậy, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển tại vùng đặc quyền kinh tế không chỉ được kéo dài 200 hải lý tính từ đường cơ sở đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên biển (bao gồm cả các tài nguyên sinh vật và các tài nguyên không sinh vật), mà theo Công ước, thềm lục địa của các quốc gia ven biển còn có thể kéo dài tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa được giới hạn ở việc thăm dò và khai thác các tài nguyên không sinh vật.

Từ đó, đã dẫn đến những tranh cãi là hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có thể có những vùng biển riêng theo các quy định của Công ước hay không? Điều (1)121 của Công ước Luật biển (UNCLOS) xác định rằng “một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”. Một đảo phải có những điều kiện tự nhiên tối thiểu để đảm bảo cho đời sống của con người. “Những đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa” . Các đảo đá nào mà không thích hợp cho con người tới ở, hoặc là đảo nhân tạo thì chỉ có thể có lãnh hải 12 hải lý và 500 mét cho vùng an toàn mà thôi. Theo Phán quyết Trọng tài năm 2016 thì tất cả các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa không đáp ứng được điều kiện là đảo theo quy định của UNCLOS, nên tối đa chỉ có lãnh hải 12 hải lý mà thôi.

Các yêu sách của các quốc gia liên quan trong cuộc tranh chấp Biển Đông có thể được chia thành ba loại. Loại thứ nhất là các yêu sách về chủ quyền các đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Loại thứ hai là sự kéo dài của các quyền của các quốc gia ven biển được diễn giải dưới các quy định của Công ước Luật biển năm 1982. Loại thứ ba xuất phát từ cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Quan điểm của Trung Quốc giải thích cho “đường lưỡi bò” có nhiều cách khác nhau, trong đó có cách cho rằng vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” thuộc “quyền lịch sử” của Trung Quốc. Cách giải thích này đã bị Toà trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc phán quyết là không có cơ sở pháp lý và do đó vô giá trị.

Trong phần thảo luận, có rất nhiều ý kiến từ phía công chúng. Mặc dù thời gian đã kéo dài so với dự kiến, nhưng rốt cuộc vẫn không đủ thời gian cho tất cả các câu hỏi, và không đủ thời gian cho diễn giả trả lời. Có thể tóm tắt những quan tâm của công chúng thành những điểm chủ yếu sau đây: Chúng ta có thể và cần phải làm gì để bảo vệ biển đảo của đất nước? Luật pháp quốc tế và các luật sư quốc tế có giúp ích gì cho Việt Nam trong cuộc tranh chấp này? Với vị trí địa chính trị quan trọng của Biển Đông, về lâu dài, cần có chiến lược như thế nào?

Ông Hoàng Việt, trong phần trả lời vắn tắt, cho rằng sự nghiệp bảo vệ Biển Đông là của tất cả mọi người, không chỉ riêng thế hệ nào. Cuộc chiến trên biển là cuộc chiến của công nghệ, thiết bị, khoa học - kĩ thuật hiện đại, vì vậy muốn bảo vệ biển đảo, thì trước tiên phải phát triển nội lực, đất nước phải giàu mạnh. Ngoài ra, ngày nay, để bảo vệ và phát triển đất nước, không thể không có tri thức, trình độ hiểu biết, khả năng sử dụng nhiều ngoại ngữ để có thể lên tiếng và bảo vệ chính nghĩa trước cộng đồng quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh việc bảo vệ Tổ quốc không nhất thiết phải là hành động sử dụng vũ lực mà nó xuất phát từ thái độ của chúng ta. Muốn đối phó với một nước lớn như Trung Quốc phải có nghiên cứu thấu đáo để hiểu Trung Quốc một cách cặn kẽ. Ông nhận xét rằng Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, và thiếu các chuyên gia nói chung trong tất cả các lĩnh vực. Nếu so sánh đơn thuần, thì về mọi mặt, Việt Nam khó có thể so sánh với một nước lớn như Trung Quốc, nhưng Việt Nam có những lợi thế khác để bảo vệ biển đảo của mình. Một trong những lợi thế đó là Việt Nam có chính nghĩa, do đó, chúng ta cần phải truyền thông vấn đề này để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Và muốn làm được điều đó thì mỗi người cần phải có kiến thức đầy đủ về vấn đề Biển Đông,  mỗi người dân là một sứ giả để truyền thông đến cộng đồng quốc tế về vấn đề này. Liên quan đến câu hỏi về vai trò của tòa án quốc tế trong việc thi hành phán quyết, ông Hoàng Việt cho biết tất cả các tòa đều không có cơ chế để thực hiện phán quyết, trừ Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trong một số trường hợp hãn hữu. Tuy nhiên, không thể nói là các tòa án quốc tế và luật pháp quốc tế là không có tác dụng. Ông Hoàng Việt lấy ví dụ về trường hợp Philippines và Trung Quốc.  Tuy Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa, nhưng họ đã xuống thang khá nhiều khi đàm phán với chính quyền Philippines. Trước đó, vào năm 2012, Trung Quốc đã phong tỏa vùng Scarborough và tuyên bố toàn bộ Scarborough và các vùng biển xung  quanh là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng cho đến bây giờ thì Trung Quốc chấp nhận hòa hoãn với chính phủ của Tổng thống Duterte, và chấp nhận khai thác chung, tuân thủ luật pháp và Hiến pháp của Philippines, tức là công nhận quyền chủ quyền của Philippines trên khu vực đó. Như vậy rõ ràng nó có tác dụng, chứ không phải là không có tác dụng.

Các thảo luận diễn ra trong buổi Seminar “Biển Đông và vai trò của luật pháp quốc tế” cho thấy rằng Biển Đông thực sự đang là mối quan tâm của các thế hệ người Việt Nam, và cũng cho thấy rằng nhiệt huyết chưa bao giờ nguôi trong những trái tim tuổi trẻ.

                                                 

                             

 

Nguyễn Thúy Vân

 

Bản tin đã được đăng tại : Tạp chí Văn Hóa Nghệ An                       

 Link tham khảo:  tại đây  

                                                  

                                     

                                                     

Bài viết liên quan

 

.