Thư viện khoa

     "Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay".(Gustavơ Lebon)
     "Thư viện không nên chỉ là nơi giữ sách, cũng không nên chỉ là nơi đọc sách giải trí nhẹ nhàng. Nó phải là một trung tâm nghiên cứu - sự nghiên cứu mà bất kỳ một con người có lý trí nào cũng cần phải có."(Phêđôrôp)
     Chỉ cần đọc câu nói của hai độc giả nổi tiếng ấy đã đủ để cho ta thấy rằng sách có giá trị như thế nào đối với nhân loại. Thư viện lại là nơi lưu trữ các ấn phẩm, tài liệu: sách, báo để phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu của nhân dân. Thư viện cũng là cầu nối giữa sách và người đọc, tạo mối quan hệ gắn bó giữa người đọc với người đọc.

     Ngày nay, cả nhân loại đang trên đường hướng đến một xã hội học tập. Vì vậy, sách trở thành một phương tiện quan trọng để con người đến với tri thức. Những phát minh của người Ai Cập, Hi Lạp cổ đại,... phát minh của các nhà bác học lỗi lạc,... tất cả được lưu lại trong những mảnh da, những mai rùa hay những trang giấy trắng... đều đã trở thành tài sản vô giá của nhân loại.
     Sách không chỉ dùng để lưu trữ những giá trị đời sống mà còn cung cấp tri thức cho con người. Nhà văn M. Gorki đã nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Nhờ có sách mà con người thật sự người hơn. Khi viết sách, người viết đã gửi gắm những kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm,... của mình vào những trang giấy. Một quyển sách dù mỏng hay dày đều chất chứa bao nỗi lòng của tác giả. Không chỉ thế, khi đọc sách người đọc cũng bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Đó chính là những vui, buồn, hờn giận hay căm ghét, bực bội... mà cảm xúc của ta hướng đến khi đọc những câu chuyện, những trang thơ.
     Đặc biệt, sách có tác dụng lớn đối với việc giáo dục, đó là giáo dục tình cảm, đạo đức, giáo dục ý thức thẩm mĩ,... Sách văn chương cho ta những tình cảm yêu thương con người, cho ta những kiến thức về thẩm mĩ,... như những bài ca dao, những tác phẩm văn học (“Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm,...). Sách đời sống lại cho ta những bài học đạo đức giá trị như câu chuyện “Cô bé bán diêm”,“Chiếc lá cuối cùng” của O. Hen-ri,..


      Khi đọc sách, chúng ta cần chú ý lựa chọn loại sách phù hợp với bản thân, đó là sự phù hợp về lứa tuổi, về nhu cầu phát triển, thẩm mĩ. Trong quá trình đọc, cần có sự chuyên tâm và tập trung để đạt hiệu quả lớn nhất. Với biết bao ích lợi từ việc đọc sách, mỗi người chúng ta đặc biệt là những người trẻ tuổi cần biết chăm chỉ, chuyên tâm vào việc đọc sách.
      Nếu như sách là nguồn tri thức, tài sản vô giá của nhân loại thì thư viện là nơi lưu trữ và bảo vệ nguồn tài sản vô giá ấy. Trong thời đại của các phương tiện kỹ thuật số, các nhà lý thuyết "cực đoan" đã vội sớm đưa ra kết luận về sự cáo chung của hệ thống thư viện. Nhưng trên thực tế mọi việc đã không diễn ra như vậy. Ngay cả tại những quốc gia văn minh, giàu có như Hoa Kỳ với lượng lớn máy tính cá nhân - gia đình dễ dàng truy cập vào các trang web điện tử trực tuyến từ các thư viện, hoặc cho dù chính Thư viện quốc hội Hoa Kỳ là nơi chủ xướng cho ý tưởng thư viện điện tử toàn cầu và được nhiều quốc gia hưởng ứng, thì lượng độc giả tới thư viện vẫn gia tăng thông qua lượng thẻ phát hành hằng năm.
    Thời đại máy tính cá nhân xách tay và internet không dây chỉ làm thay đổi cái nhìn về thư viện theo những thói quen truyền thống lâu nay. Từ gốc của "thư viện" theo ngôn ngữ Hy Lạp và Trung Hoa xưa đều có nghĩa là nơi cất giữ và bảo quản sách. Và lâu nay theo cái nhìn thông thường ở Việt Nam, thư viện chỉ là nơi cho mượn sách để đọc (tại chỗ, hoặc mang về nhà). Thư viện ngày này, đang thay đổi để tồn tại và vươn lên phục vụ cho tiện ích của cộng đồng và xã hội, đó không chỉ là một "kho sách" mà còn được khẳng định là nguồn tài nguyên lớn. Nếu được khai thác đúng mức, nguồn tài nguyên này sẽ cung cấp năng lượng thiết yếu làm tăng trưởng tri thức cho mọi người, góp phần phát triển xã hội một cách toàn diện.

 
 
 

 ĐỐI TÁC