VAI TRÒ CỦA ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ TRONG QUAN HỆ ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI Ở KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

 

Chiều ngày 24 tháng 8, tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Thi Anh-Dao TRAN – chuyên viên thuộc  Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC) của Pháp – đã trình bày nghiên cứu của mình về đề tài  « Vai trò của Đồng Nhân Dân tệ trong quan hệ đối tác thương mại ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Đây là một seminar thuộc trong chương trình học thuật định kỳ của Viện Hợp Tác Nghiên Cứu Quốc tế - Đại học Thái Bình Dương.

 

 Bà Thi Anh-Dao TRAN cho rằng các cuộc đàm phán kinh tế và thương mại để thiết lập một FTA (còn gọi là ASEAN + 6) ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thực sự che giấu một cuộc chiến quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ để kiểm soát khu vực này. Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm từ các nước láng giềng để chế biến và tái xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới. Một trong những kết quả điển hình của sự phân chia lao động này là độ co giãn giá của hàng nhập khẩu của nước này bị ảnh hưởng bởi các mô hình thương mại liên quan và bất kỳ biến động nào của Nhân dân tệ cũng ảnh hưởng đến các quốc gia là bên thứ ba cung cấp hàng cho Trung Quốc. Bà Anh Đào chứng minh rằng các nghiên cứu trước đã chỉ ra những tác động của việc nâng giá đồng Nhân dân tệ tới hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng những tác động tới hoạt động nhập khẩu vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Theo quan điểm truyền thống, việc nâng giá đồng nội tệ sẽ làm tăng hoạt động nhập khẩu. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu của bà Anh Đào đã đưa ra một kết quả khác. Để chỉ ra mối liên hệ giữa việc nâng giá đồng nội tệ và tác động đến hoạt động nhập khẩu, bài nghiên cứu của bà đã sử dụng các phân tích về chính sách thương mại và điều tiết tỉ giá của Trung Quốc kết hợp với các phương pháp phân tích định lượng, các dữ liệu thương mại toàn cầu và thương mại song phương. Kết quả cho thấy, việc nâng giá đồng Nhân dân tệ, thực tế, sẽ làm giảm nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, nghiên cứu của bà còn chỉ ra rằng, đối với Trung Quốc, nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển nhạy cảm trước các biến động về tỷ giá đồng Nhân dân tệ hơn so với nhập khẩu từ các quốc gia phát triển. Trong trường hợp của Mỹ, nghiên cứu của bà dẫn tới một kết quả ngược lại, nhập khẩu từ các quốc gia phát triển nhạy cảm trước các biến động về tỷ giá đồng đô-la Mỹ hơn so với nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển. Hơn nữa, việc giao thương với các nước thuộc RCEP giúp Trung Quốc giảm đi mức độ nhạy cảm của nhập khẩu trước các biến động của tỷ giá đồng nhân dân tệ so với các nước ngoài khối RCEP, trong khi đó, giao thương với các nước thuộc RCEP và TPP khiến nhập khẩu của Mỹ nhạy cảm hơn trước các biến động của tỷ giá Đô-la Mỹ so với các nước ngoài hai khối này. 

                     


Từ vị thế một nước như Việt Nam chúng ta, điều cần ghi nhận ở nghiên cứu của bà Anh Đào : Trung Quốc đã có những chính sách để hưởng lợi từ việc các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc cố gắng đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại, và đa dạng hóa hàng hóa. Các chính sách đó cụ thể như thế nào thì không phải là đối tượng nghiên cứu của bà Anh Đào trong trường hợp cụ thể này. Nhưng đây thực sự là một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, nếu các quốc gia phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc muốn xác lập tính độc lập của mình trong lĩnh vực kinh tế.

 

   


Sau phần trình bày của bà Anh Đào, công chúng tham dự Seminar đã thảo luận hết sức sôi nổi xung quanh chủ đề này. Các câu hỏi tập trung xung quanh việc những tác động thay đổi đồng Nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam bởi vì nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc .Theo bà Anh Đào, để đánh giá những tác động này, chúng ta cần phải nhìn nhận cụ thể và chi tiết về cấu trúc thương mại của Việt Nam, ngoài ra Việt Nam cần xây dựng hệ thống chính sách về tỉ giá hối đoái mang tính chiến lược dài hạn hơn thay vì chỉ hướng tới kiềm chế lạm phát và ổn định tình hình kinh tế. Những người tham dự Seminar cũng bày tỏ sự trân trọng đối với công trình nghiên cứu của bà, nhất là nó càng ý nghĩa hơn đối với việc tìm hiểu tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay. Họ cũng bày tỏ mong muốn bà Anh Đào có thể tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có những giải pháp cụ thể dưới sức ép của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Kết thúc chương trình, bà Nguyễn Thị Từ Huy đã gửi lời cảm ơn về sự đóng góp của bà Trần Thị Anh Đào trong chương trình Seminar của Viện Hợp tác Nghiên cứu Quốc tế - Đại học Thái Bình Dương. Bà cũng hy vọng sẽ có các chương trình hợp tác với Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á đương đại trong tương lai.

 

Nguyễn Thúy Vân

 Bản tin đã được đăng tại : Tạp chí Văn Hóa Nghệ An                       

 Link tham khảo: tại đây     

                               

                               

                              

Bài viết liên quan

 

.