TIẾP CẬN TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI NHƯ THẾ NÀO ?

Ngày 28 tháng 9 năm 2019, tại TP.Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Nguyễn Như Huy đã có buổi nói chuyện với chủ đề “ Tiếp cận tác phẩm nghệ thuật đương đại như thế nào ”. Đây là một trong những tọa đàm nằm trong chương trình học thuật của Viện Hợp Tác Nghiên Cứu Quốc Tế - Đại Học Thái Bình Dương. Ông Nguyễn Như Huy là một nghệ sĩ thị giác, giám tuyển độc lập, dịch giả và nhà phê bình nghệ thuật.

                                           

Trong phần trình bày của diễn giả, chữ “tác” trong cụm  “Tác phẩm” cả tiếng Anh và tiếng Đức đều nói đến sự tác động, nói đến chân lý. Theo quan điểm Hy Lạp cổ đại, nghệ thuật chính là công cụ làm cho chân lý xuất hiện, hay nói cách khác, một khi chân lý xuất hiện thì chân lý sinh ra “ work’’, tác động vào con người. Nếu như mọi người đều cho rằng: càng thúc đẩy việc mua bán tranh thì nghệ thuật càng phát triển, thì theo như ông Như Huy: nghệ thuật chỉ có thể phát triển khi chúng ta phát triển về mặt văn hóa trước khi có sự mua bán tranh.

Ông cũng đưa ra ba quan điểm chính về “tác” (work): (1)  “tác” trong thời cổ đại (thời điểm nghệ thuật chưa xuất hiện như một nghề nghiệp) ; (2) “tác”  xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật hiện đại ; (3)  “tác” xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật đương đại. Trong quan điểm thứ nhất, nghệ thuật gắn liền với sự thiêng liêng, “tác” (work) được nhìn nhận dưới góc độ thần thánh, nó mang đến niềm tin trong cuộc sống cho con người và vốn dĩ được xem là thứ cao cả, thiêng liêng mà con người không thể điều khiển được. “Tác” (work) trong quan điểm thứ hai, được xem như một công cụ giải trí, mang đến niềm vui, sự thích thú trong cuộc sống. Con người lúc này đứng ngang hàng với tác phẩm nghệ thuật, họ có quyền phán xét, đánh giá đẹp hay xấu. Khác với hai quan điểm trên, ‘’ tác’’ (work) trong nghệ thuật đương đại là sự đề hóa (thematization) và sự đối thoại (dialogue). Để tiếp cận với tác phẩm nghệ thuật đương đại thì chúng ta phải đối thoại với nó và muốn đối thoại được, chúng ta phải có sự chuẩn bị. Công chúng - dù là một người lao động bình thường, đều có thể là công chúng nghệ thuật miễn là họ sẵn sàng tiếp cận với nghệ thuật không phải vì điều gì có tính giải trí, mà có tính đối thoại. Họ cần phải được chuẩn bị sẵn sàng khi đến với nghệ thuật, có nghĩa là công chúng nghệ thuật giờ đây không phải là những người tình cờ xem tranh mà phải là người sẵn sàng đối thoại, và được chuẩn bị. Diễn giả đã đưa ra nhận định và đánh giá về hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật  đương đại như : tác phẩm '' Tatlin's Whisper '' của nghệ sĩ Tania Bruguera tại bảo tàng Tate Modern ở Anh, tác phẩm " Songs for My Son" của Masaniro Wada tại Liên hoan nghệ thuật Koganecho Bazaar 2013, tác phẩm của nghệ sĩ đương đại Lee Wan trong việc phê phán chủ nghĩa tiêu dùng ….Ngoài ra, ông còn chia sẻ với công chúng cách thức mà ông đối thoại và tiếp cận với những tác phẩm này.

    

Phần thảo luận của công chúng chủ yếu xoay quanh các vấn đề nghệ thuật như : ranh giới giữa tác phẩm nghệ thuật với một vật đời thường? Cách thức ứng dụng nghệ thuật đương đại trong truyền thông, marketing? …. Theo như ông Như Huy, bản thân một tác phẩm nghệ thuật không mang tính tuyên truyền mà nó bắt chúng ta phải đối thoại . Một tác phẩm nghệ thuật tốt là một tác phẩm phải tạo ra sự đối thoại, công chúng tốt là công chúng không bao giờ cắt đứt đối thoại.

                                                   

 

Nguyễn Thúy Vân

 

 

Bài viết liên quan

 

.