THÔNG DIỄN HỌC VÀ NGHIÊN CỨU, PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Ngày 30/11/2019 vừa qua, Viện Hợp Tác Nghiên Cứu Quốc Tế - Đại học Thái Bình Dương đã tổ chức buổi thuyết trình về chủ đề “Thông diễn học và nghiên cứu, phê bình văn học”. Buổi thuyết trình có đông đảo thính giả quan tâm đến dự.

 

Mở đầu buổi thuyết trình, sau phần giới thiệu của TS. Nguyễn Thị Từ Huy, TS. Hoàng Phong Tuấn trình bày về vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay khi tiếp nhận và đánh giá văn học và văn hoá của quá khứ, trong bối cảnh vừa bước ra khỏi giai đoạn xung đột ý thức hệ và chiến tranh lạnh, giai đoạn chia cắt đất nước với các cuộc chiến tranh để lại những vết thương tinh thần trong lịch sử. Nhìn nhận các vấn đề xã hội và văn hóa từ góc độ học thuật là điều cần thiết, không chỉ cho giới nghiên cứu mà còn cho toàn xã hội nói chung. Đã đến lúc, ở Việt Nam, lí thuyết hiện diện không phải chỉ ở giảng đường và sách vở nữa, mà trở thành một góc nhìn xã hội, tất nhiên, trong sự tương tác và đối thoại với các góc nhìn khác.

Phần trình bày của Hoàng Phong Tuấn cho thấy các vấn đề bản chất, tiến trình và mục đích của việc hiểu và diễn giải văn học từ góc nhìn thông diễn học – một chuyên ngành thuộc về khoa học xã hội đã được phát triển từ lâu ở Phương Tây. Từ góc độ này, việc đánh giá văn học của các giai đoạn thuộc về quá khứ ở Việt Nam được đem ra xem xét, phân tích. Phần trình bày cũng đi vào thực trạng dạy học văn trong nhà trường và các khả năng đổi mới từ góc nhìn thông diễn học. Khi giới thiệu các lý thuyết thông diễn học của Gadamer, Jauss… Hoàng Phong Tuấn cũng làm nổi bật và cảnh báo những gì tạo nên lực cản trong quá trình tiếp nhận văn học.

Phần trình bày của Nguyễn Thị Từ Huy cho thấy một nhà văn như Alain Robbe-Grillet có thể đặt lại vấn đề về lý thuyết thông diễn học như thế nào, thông qua các sáng tạo văn học. Những ví dụ được đưa ra từ cuốn “Sự thật và diễn giải” làm rõ quá trình nhà văn biến diễn giải thành ra bất khả, cả sự thật cũng thành ra bất khả. Tác phẩm văn học được viết như một cách phá vỡ diễn giải, phá vỡ chân lý duy nhất, tạo điều kiện cho sự tồn tại của những diễn giải đa bội, phức tạp và phong phú, và tạo điều kiện cho các sự thật đa diện có chỗ tồn tại và xuất hiện. Những tiểu thuyết như “Ghen”, hay những bộ phim như “Năm ngoái ở Marienbad” và “Người nói dối”, không còn là những thông điệp mà nhà văn cần chuyển tải, trái lại, chúng tồn tại trong ý thức của độc giả như những câu hỏi không có câu trả lời.

Buổi thuyết trình có nhiều thính giả tham gia và đặt câu hỏi, đặc biệt là sự tham gia của các sinh viên và những người trẻ. Những người đến dự đã có những chất vấn rất thú vị và thể hiện những mối quan tâm sâu sắc: những câu hỏi về sự xung đột giữa kinh nghiệm thẩm mỹ và giá trị đạo đức của tiến trình tiếp nhận, về tác động của diễn giải văn học trên truyền thông đại chúng, làm thế nào để thay đổi cách đọc và để phá vỡ các rào cản văn hóa,lịch sử trong khi đọc... Điều này cho thấy các bạn trẻ không còn hài lòng trước các câu trả lời dễ dãi và cảm tính về các vấn đề văn hoá, xã hội, họ tìm kiếm độ mở và những gì mới mẻ trong diễn giải và tiếp nhận tác phẩm văn học và nghệ thuật.

Thay đổi cách diễn giải tác phẩm, thay đổi hành động đọc và tiếp nhận, có thể dẫn đến thay đổi hành động viết, vì nó tạo ra nhu cầu mới, tạo ra chân trời chờ đợi mới mà các nhà văn và các tác giả phải đáp ứng nếu họ có ý thức trong công việc viết của họ.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 3/12/2019

Nguyễn Anh Hoàng (một người tham dự seminar)

 

Bài viết liên quan

 

.