Đổi mới phương pháp giảng dạy Module biên phiên dịch theo hướng ứng dụng

  1. Đặt vấn đề

Là một trong những quốc gia có mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được biết đến như một điểm đến đầu tư khôn ngoan. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào với mức lương tương đối thấp chính là nguồn tài sản quý giá giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi về chuyên môn nghiệp vụ của các nhà tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp hay chưa? Liệu các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp có cần thiết phải đào tạo lại những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học dù họ đã được đào tạo từ bốn năm trở lên trên giảng đường đại học?

Nhận thấy nhu cầu thực tiễn của xã hội đang rất cần những nhân lực trẻ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản để có thể đáp ứng được nhanh nhất và tốt nhất đòi hỏi của công việc,

Ngày nay, khi tiếng Anh đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của mình trong đời sống cũng như trong trường học thì vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ này lại càng trở nên quan trọng hơn. Để sinh viên có thể tự tin sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo trong thực tiễn nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, chương trình đào tạo của Bộ môn đã có những thay đổi tích cực. Trường Đại học Thái Bình Dương đã và đang tiến hành “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng” vào công tác giảng dạy của một số bộ môn trong trường, trong đó có Bộ môn Ngoại ngữ. Bộ môn Ngoại ngữ tập trung vào module Biên Phiên dịch trong học kỳ I, năm học 2016-2017 là học phần Biên Phiên dịch và học phần Đề án dịch thuật. Trong giới hạn bài viết này, tác giả trình bày một số quan điểm, kinh nghiệm về việc triển khai giảng dạy module Biên Phiên dịch.

  1. Thực tế triển khai giảng dạy module Biên Phiên dịch

Áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại đối với hai học phần Biên Phiên dịchĐề án dịch thuật:

Sau một học kỳ áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại đối với hai học phần Biên Phiên dịchĐề án dịch thuật nhằm đưa hai học phần này đi theo đúng định hướng ứng dụng, tác giả nhận thấy một số điểm như sau:

2.1. Đối với giảng viên:

a) Yêu cầu đối với giảng viên:

Giảng dạy theo định hướng ứng dụng đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của chuyên ngành đào tạo cùng với kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp. Đây cũng là yêu cầu cơ bản của chương trình POHE, giảng viên càng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn càng dễ tiếp cận với môi trường nghề nghiệp, hiểu rõ hơn các yêu cầu của công việc và thiết kế tốt hơn các tình huống thực hành để áp dụng vào công tác giảng dạy. Chẳng hạn như, một giảng viên chưa từng tham gia công tác dịch thuật sẽ không thể hiểu rõ những khó khăn và đòi hỏi của nghề; do đó, giảng viên sẽ rất khó hình dung và truyền đạt đến cho người học.

Ngoài ra, giảng viên giảng dạy theo định hướng ứng dụng cũng phải tự bồi dưỡng chuyên môn nghề nghiệp, đưa các tình huống thực tế trong nghề Biên phiên dịch vào công tác giảng dạy, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, thảo luận và hoạt động trong môi trường càng gần với thực tế càng tốt. Muốn được như vậy, giảng viên phải có mối liên hệ chặt chẽ với thế giới việc làm, với các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực Biên phiên dịch nhằm tạo môi trường thực hành, thực tập cũng như đảm bảo đầu ra cho sinh viên. “Hơn thế, giảng viên phải tham gia làm việc nhóm với đồng nghiệp nhiều hơn trong quá trình phát triển các môn học, học phần và các dự án sinh viên.” (Bộ giáo dục và đào tạo, Dự án giáo dục Việt Nam – Hà Lan, 2009)

b) Nội dung thực hiện:

Khi thực hiện phương pháp giảng dạy hiện đại đối với hai học phần Biên Phiên dịchĐề án dịch thuật, tác giả đã cố gắng tìm tòi và áp dụng các hình thức giảng dạy sau:

- Phương pháp thảo luận nhóm (Group-based Learning): Giảng viên chia lớp học thành các nhóm nhỏ từ 4 đến 5 sinh viên một cách ngẫu nhiên hay có chủ ý (tuỳ vào mục đích, yêu cầu của chuyên đề) và giao cho mỗi nhóm một bài tập hoặc một chủ đề thảo luận để các nhóm chủ động phân chia công việc, chia sẻ ý kiến và tìm ra cách giải đáp bài tập hay cách thức trả lời tốt nhất cho các câu hỏi thảo luận. Giảng viên vừa đóng vai trò của người giám sát, đảm bảo các thành viên trong mỗi nhóm đều chủ động tham gia vào hoạt động của nhóm, không ỷ lại vào một vài thành viên nổi trội hơn, đồng thời vừa phải giữ vai trò tổ chức và cố vấn, đảm bảo hoạt động của các nhóm theo đúng mục đính, yêu cầu của chuyên đề, giải đáp các thắc mắc của sinh viên khi cần thiết và sau khi các nhóm đã trình bày kết quả hoạt động của mình, giảng viên đúc kết lại các ý kiến phù hợp nhất và giải thích vì sao các ý kiến khác chưa thực sự phù hợp.

- Phương pháp thuyết trình (Oral Presentation): Hàng tuần giảng viên yêu cầu các nhóm sinh viên đọc một chuyên đề học tập trong sách giáo trình và các tài liệu tham khảo để chuẩn bị cho bài thuyết trình trước lớp. Khi một nhóm lên thuyết trình nội dung đã chuẩn bị trước ở nhà, các nhóm còn lại phải theo dõi và đặt ra các câu hỏi phản biện nhằm mục đích giúp cả lớp hiểu rõ hơn, sâu hơn về chuyên đề học tập đó. Giảng viên lắng nghe, quan sát, cho nhận xét và giải thích các trường hợp sinh viên còn thắc mắc.

- Phương pháp đóng vai (Role Playing): Giảng viên xây dựng các tình huống dịch thuật giả định, đặc biệt là trong phiên dịch như phiên dịch hội thoại thông thường (chào hỏi, giới thiệu bản thân, công việc, gia đình…), phiên dịch cuộc họp, phiên dịch buổi tham quan (địa điểm du lịch, tham quan công xưởng…), phiên dịch buổi phỏng vấn với người nổi tiếng, phiên dịch buổi giới thiệu sản phẩm… Phương pháp này giúp sinh viên thực hành kỹ năng phiên dịch và xử lý tình huống phát sinh trong môi trường an toàn trước khi thực hành trong thực tiễn, từ đó đúc kết các kinh nghiệm cần thiết cho bản thân.

            2.2. Đối với sinh viên:

Học tập theo chương trình POHE đòi hỏi sinh viên phải có tinh thần tự giác, chủ động trong học tập. Chương trình chi tiết các học phần theo định hướng ứng dụng được thiết kế dựa trên tiêu chí giúp sinh viên học thông qua thực hành (learning by doing). Do đó, sinh viên phải tự mình tham gia vào các hoạt động nhóm (groupwork), học tập thông qua thực hiện các đề án (project-based learning) hay thực hiện các bài tập cá nhân (individual work) một cách chủ động, tích cực và sáng tạo.

Sinh viên ngoài việc tham gia các hoạt động trên lớp còn phải tự phân tích, tổng hợp để hoàn thành các bài viết phản ánh suy nghĩ, cảm nhận về những gì đã được học, được đọc, nhìn thấy hay được trải nghiệm (reflective writing) hoặc tự thực hiện nhật ký học tập (journal) giúp sinh viên tổng kết lại các kiến thức cũng như kinh nghiệm của bản thân.

2.3. Đối với quá trình kiểm tra đánh giá:

- Giảng viên đánh giá quá trình học tập thông qua quan sát thái độ và cách áp dụng các kỹ năng được học vào hoạt động trên lớp của sinh viên (cả hoạt động nhóm và hoạt động cá nhân).

- Giảng viên yêu cầu sinh viên thực hiện các bài tập dịch thuật trên lớp và tập hợp thành một tập hồ sơ (portfolio) của riêng mình và nộp lại cho giảng viên vào gần cuối học kỳ để từ đó giảng viên có thể đánh giá mức độ tiến bộ của sinh viên.

- Giảng viên yêu cầu sinh viên thực hiện các bài tập về nhà như liệt kê các tên riêng (của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ của Việt Nam và thế giới) và cách dịch; khảo sát và thống kê sơ bộ những dịch giả, tác phẩm biên dịch hiện nay; viết bài báo cáo ngắn về một tác phẩm dịch mà sinh viên yêu thích bằng tiếng Anh, kèm theo bản dịch sang tiếng Việt...

- Giảng viên chia lớp thành các nhóm lớn từ 6 đến 8 sinh viên và yêu cầu mỗi nhóm tự thực hiện một đề án dịch thuật (dịch một tác phẩm hoàn chỉng). Sinh viên phải tự phân chia nhiệm vụ trong nhóm, hoàn thiện bản dịch và nộp tác phẩm hoàn chỉnh cho giảng viên. Với hình thức này, giảng viên có thể đánh giá cùng một lúc mức độ thực hiện kỹ năng dịch thuật và kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên.

  1. Kết quả đạt được

Tuy mới thực hiện công tác đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo định hướng ứng dụng, tác giả nhận thấy không khí học tập trên lớp và tinh thần học tập của sinh viên có một vài biến chuyển tích cực như sau:

  • Sinh viên tích cực tham gia vào bài học trên lớp, thảo luận sôi nổi nhằm tìm ra cách giải quyết các vấn đề hoặc tình huống do giảng viên thiết lập.
  • Sinh viên chủ động tra cứu, tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, nghiên cứu và phân tích thông tin dựa trên các dữ liệu thực tế mà giảng viên cung cấp.
  • Sinh viên hào hứng tham gia thảo luận, tranh luận, góp ý, nhận xét, phản biện… trong các hoạt động nhóm vì các em hiểu rằng đây là những tình huống dựa trên thực tế nghề nghiệp, đòi hỏi sự tập trung và cố gắng nhằm tích luỹ kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này.
  • Các báo cáo tổng hợp cá nhân hay đề án làm theo nhóm đều được sinh viên hoàn thành đúng hạn và có chất lượng cao.
  • Không khí giảng dạy và học tập trong lớp thoải mái hơn, tập trung vào sinh viên nhiều hơn vì chính các em mới là người đặt vấn đề và tự tìm kiếm cách giải quyết vấn đề, giảng viên chỉ góp phần định hướng và chỉ dẫn các em cách thực hiện quá trình đó một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, vẫn còn có một số hạn chế:

  • Các tình huống giảng viên thiết kế vẫn chỉ là giả định, chưa mang tính thực tiễn cao.
  • Giảng viên chưa kết nối được với các doanh nghiệp để đưa sinh viên vào học tập tại các môi trường thực tiễn, được thực hành và giải quyết các tình huống có tính chất thực tế cao hơn.
  • Tuy đã đổi mới trong cách đánh giá quá trình, đòi hỏi sinh viên thực hiện dự án, viết báo cáo tổng hợp hay nhật ký học tập nhưng đánh giá cuối học phần vẫn mang tính truyền thống, đánh giá dựa trên bài thi và điểm số chứ chưa thực sự đánh giá dựa vào năng lực của người học. (Năng lực chính là “khả năng vận dụng hài hòa kiến thức, kỹ năng và thái độ trong hoạt động nghề nghiệp”.)
  1. Một số ý kiến đề xuất

Từ thực tiễn giảng dạy nêu trên, tác giả xin có một vài kiến nghị đề xuất như sau:

  • Đối với nhà trường:
    • Cần có thêm những buổi hội thảo, hội nghị để các giảng viên tham gia giảng dạy theo định hướng ứng dụng có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những bài học rút ra được từ quá trình thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng ứng dụng.
    • Cần có nguồn kinh phí hỗ trợ để mỗi Khoa và mỗi Bộ môn có thể liên hệ và duy trì mối kết nối lâu dài với các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực đào tạo của Khoa và Bộ môn.
    • Cần thay đổi các quy định về quy đổi giờ chuẩn nhằm khuyến khích việc xây dựng các bài tập tình huống, cách dạy học theo dự án, biên soạn các bài giảng các tài liệu hướng dẫn thực hành, các dự án học tập.
    • Cung cấp thêm một số đầu sách, tạp chí chuyên ngành, tài liệu tham khảo riêng về chuyên ngành Biên phiên dịch tạo điều kiện cho giảng viên cũng như sinh viên có thêm nguồn tư liệu tham khảo chuyên sâu, bổ sung kiến thức, nâng cao hiểu biết.
    • Đầu tư hơn nữa vào cơ sở vật chất như xây dựng các phòng học hiện đại, trang bị đầy đủ bàn ghế dễ di chuyển (phù hợp cho sinh viên di chuyển khi cần thảo luận nhóm, đóng vai...) để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giảng viên khi áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực.
  • Đối với mỗi giảng viên:
    • Nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân đồng thời trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, bám sát tình hình thực tiễn các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực Biên phiên dịch nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức thực tế nhất, cập nhật nhất.
    • Tích cực xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực Biên phiên dịch.
    • Xây dựng bài học phù hợp với định hướng ứng dụng, chú trọng phát huy khả năng tư duy phản biện (critical thinking), khả năng tự học (learning to learn), kỹ năng giải quyết vấn đề (problem solving skills), kỹ năng giao tiếp (communication skills) và kỹ năng làm việc nhóm (teamwork skills) vì đây là những kỹ năng cần thiết nhất cho nghề Biên phiên dịch.

5. Kết luận

Qua quá trình thay đổi từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại theo định hướng ứng dụng, tác giả nhận thấy nhiều tác động tích cực đối với cả sinh viên và giảng viên. Đối với sinh viên, các em phải tự nghiên cứu, thảo luận và tìm kiếm đáp án thay vì tư thế học tập bị động, chỉ lắng nghe và ghi chép trước đây, đồng thời các em cũng phải hoạt động dưới nhiều hình thức (cá nhân/nhóm) và nhiều tình huống khác nhau do đó có thể rèn luyện thêm các kỹ năng mềm (spft skills) bổ trợ cho quá trình học tập hiện tại và làm việc sau này. Vì sinh viên phải thể hiện vai trò chủ động trong việc học nhiều hơn nên các em tỏ ra hứng thú và chuyên tâm hơn trong quá trình học tập của mình. Một khi sinh viên chủ động trong học tập, giảng viên cũng cảm thấy hào hứng và có động lực để thiết kế bài giảng cũng như các hoạt động học tập một cách hiệu quả hơn. Hơn nữa, giảng dạy theo định hướng ứng dụng đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thời gian và công sức thiết kế bài giảng và các hoạt động trên lớp, do đó phải đào sâu nghiên cứu và hoàn thiện hơn các kỹ năng, kiến thức của bản thân.

Tuy nhiên, để thực hiên việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng ứng dụng một cách thành công hơn, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các học phần trong module Biên phiên dịch nói riêng và các bộ môn khác trong toàn trường nói chung để xây dựng thói quen, rèn luyện kỹ năng và tạo môi trương thực hành hiệu quả cho sinh viên. Từ đó, đảm bảo sinh viên đạt được những yêu cầu đòi hỏi của công việc tương lai và tự tin khi tham gia ứng tuyển trước các nhà tuyển dụng.

 

ThS. Đoàn Thị Thu Hà

Bộ môn Ngoại ngữ - Khoa NN-XHH

Tài liệu tham khảo

Black, P. J. & Wiliam, D. (1998). Assessment and classroom learning. Assessment in Education: Principles Policy and Practice, 5 (1), 7–73.

Bộ giáo dục và đào tạo, Dự án giáo dục Việt Nam - Hà Lan. (2009). Sổ tay giảng viên POHE. Việt Nam.

Nguyễn Hữu Hợp. Đánh giá người học theo quan điểm đào tạo dựa vào năng lực.

<http://dhsptn.edu.vn/pohe/uploads/news/2015_07/danh_gia_dua_vao_nang_luc__cba.pdf > [Ngày truy cập 20 tháng 12 năm 2016]

Sadler, D. R. (1998). Formative assessment: Revisiting the territory. Assessment in education, 5 (1), 77-84

Võ Hoàng Ngọc (2013). Ưu, nhược của PPDH dạy học truyền thống - PPDH hiện đại và sự lựa chọn cho phù hợp với thực tế. <http://thcshuongdiennamhuong.thachha.edu.vn/vi/news/Trao-doi-Chia-se/Uu-nhuoc-cua-PPDH-day-hoc-truyen-thong-PPDH-hien-dai-va-su-lua-chon-cho-phu-hop-voi-thuc-te-678> [Ngày truy cập 20 tháng 12 năm 2016]

Bài viết liên quan

 

 ĐỐI TÁC