Bảng tin mới nhất

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIẢNG DẠY CÁC MÔN PHÁP LUẬT THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

  1. Đặt vấn đề

Hiện nay, khi giảng dạy các môn pháp luật ở các trường, hầu hết giảng viên còn sử dụng phương pháp truyền thống, diễn giảng, thuyết trình, độc thoại là chủ yếu. Phương pháp giảng dạy còn thiên về hàn lâm, lý luận, chưa tìm ra những phương cách hiệu quả giúp sinh viên chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức và sử dụng những quy định của pháp luật để giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong cuộc sống. Giảng viên chưa đặt ra yêu cầu cao đối với sinh viên trong quá trình giảng dạy; chưa đánh thức được lòng trắc ẩn, sự đam mê, khả năng tư duy của người học. Các tiết học pháp luật trôi qua trong sự nặng nề, nhàm chán, thiếu sức sống, không thuyết phục, không sinh động. Điều đó dẫn đến chất lượng, hiệu quả của việc giảng dạy môn pháp luật còn thấp, tạo ra tâm lý gò ép, ức chế người học. Vì thế cần có những biện pháp, giải pháp để đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp để sinh viên lĩnh hội và tiếp thu kiến thức từ các môn học pháp luật được tốt hơn. Trong giới hạn bài viết này tác giả đưa ra một số giải pháp để vận dụng vào giảng dạy các môn pháp luật được hiệu quả tại trường đại học Thái Bình Dương.

  1. Thực trạng về việc giảng dạy và học các môn pháp luật

Việc giảng viên giảng dạy quá nhiều môn pháp luật cũng là nguyên nhân làm cho giảng viên giảng dạy không hay, không có đủ kiến thức và thời gian đầu tư cho bài giảng. Giảng viên dù có giỏi đến đâu đi chăng nữa thì chỉ dạy hay, dạy “rút hết ruột gan” cũng được hai, ba mà thôi. Giảng viên khi dạy quá nhiều môn pháp luật không có thời gian đầu tư cho bài giảng, hầu như chỉ cắm cúi vào giáo trình, nhắc lại một cách lối mòn những điều đã có, đã được ghi chép một cách đầy đủ, rõ ràng trong sách vở, tài liệu. Giảng viên không đủ kiến thức thực tế để minh họa, ví dụ những vấn đề có tính chất triều tượng hoặc triều tượng hóa những vấn đề cụ thể.

Kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên cũng là một hạn chế rất lớn trong việc giảng dạy pháp luật, đặc biệt các trường theo định hướng ứng dụng. Pháp luật là hình thức cuộc sống. Quan hệ pháp luật là những quan hệ xã hội bị pháp luật điều chỉnh. Do đó, để dạy được các môn pháp luật hay đòi hỏi giảng viên bên cạnh kiến thức chuyên môn còn phải có kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức xã hội, vốn sống. Thực tế cho thấy, sinh viên càng lớn tuổi tiếp thu nhanh hơn sinh viên mới tốt nghiệp phổ thông khi học các môn pháp luật, vì họ có nhiều kiến thức xã hội hơn. Pháp luật do Nhà nước đặt ra là nhằm giải quyết các tranh chấp và xét xử các hành vi tội phạm. Để giải quyết các hậu quả pháp lý của những vụ án đòi hỏi người giảng viên phải có kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng cần thiết. Điều này là bắt buộc đối với giảng viên nhằm làm cho bài giảng thuyết phục, sinh viên nhớ bài, nâng cao khả năng tư duy độc lập, sáng tạo cũng như các kỹ năng cần thiết của người học.

Về phía sinh viên, phần lớn không thích đọc văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu tham khảo, giáo trình luật. Sinh viên thường chỉ học những điều thầy đã nói, thích học thuộc lòng trong một giới hạn nhất định; không có tư duy tự học, tự nghiên cứu vì cho rằng sách luật sao dày quá, nhìn đã thấy sợ rồi. Sinh viên học các môn pháp luật  không nhằm mục đích để có kỹ năng, kiến thức, thái độ mà để thi hết môn, trả nợ “quỷ thần”.

Khi xã hội càng phát triển, các quan hệ xã hội ngày càng phong phú đa dạng. Vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội ngày càng nhiều, sự ghi nhớ của con người là có hạn. Do đó, việc giảng dạy pháp luật theo phương pháp chỉ trang bị kiến thức cho người học, giúp người học ghi nhớ kiến thức càng nhiều càng tốt đã không còn phù hợp. Mặt khác, hiện nay các phương tiện lưu trữ thông tin, tri thức rất đa dạng, giúp con người ghi nhớ tất cả. Từ đó cho thấy, việc giảng dạy các môn pháp luật theo định hướng ứng dụng là đúng đắn, phù hợp. Vấn đề cốt lõi của dạy theo phương pháp ứng dụng là “học không phải để biết mà để làm, làm không phải để chơi mà phải có sản phẩm”. Định hướng ứng dụng trong việc giảng dạy các môn pháp luật là phải giúp cho người học nắm được kiến thức nền tảng, tinh thần pháp luật, vận dụng các quy định của pháp luật giải quyết các tình huống xảy ra trong cuộc sống.

Giảng dạy theo định hướng ứng dụng ngoài kiến thức vững vàng, dày dạn kinh nghiệm, người giảng viên còn có kỹ năng khác như phản biện, nhận xét, bố trí lớp học, phân bổ thời gian, đặt câu hỏi, tổ chức và khuyến khích sinh viên thảo luận, chia nhóm, dẵn dắt thảo luận theo tình huống…vì vậy, người giảng viên làm việc rất vất vả.

Tình huống pháp lý mà giảng việc đưa ra trong các buổi lên lớp sẽ quyết định rất lớn việc giảng dạy theo định hướng ứng dụng đối với các môn pháp luật. Thông qua các tình huống pháp luật giúp cho người học vận dụng được tư duy độc lập, sáng tạo, phản biện dựa trên cơ sở chứng cứ và các quy định của pháp luật. Điều này rất cần thiết đối với sinh viên học luật.

  1. Nhóm giải pháp để việc giảng dạy các môn pháp luật theo định hướng ứng dụng đạt hiệu quả

Để việc giảng dạy các môn pháp luật theo định hướng ứng dụng đạt hiệu quả cần  nhiều giải pháp tổng thể sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục thay đổi chương trình đào tạo cử nhân luật theo định hướng ứng dụng. Vì đây là “vòng kim cô” đối với giảng viên và sinh viên. Chương trình đào tạo phải gắn liền với thế giới việc làm, ngắn gọn, cơ động, linh hoạt. Chúng ta sẵn sàng cắt bỏ không thương tiếc những nội dung của học phần hoặc học phần không phù hợp với định hướng ứng dụng, cần bổ sung thêm một số môn kỹ năng thực hành nghề luật vào chương trình. Chương trình đào tạo là gốc rễ của đào tạo. Do đó, đào tạo cử nhân luật theo định hướng ứng dụng nhất thiết phải xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với các chức danh công việc mà người học khi ra trường có thể đảm nhận. Việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ chương trình đào tạo cử nhân luật phải làm từng học kỳ cho phù hợp với sự thay đổi của pháp luật, nhu cầu của thế giới việc làm. Trong tương lai ngành luật kinh tế có thể chia thành ba chuyên ngành: luật kinh doanh, luật thương mại quốc tế, luật tài chính ngân hàng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.

Thứ hai, Giảng viên phải có nhiều tình huống pháp lý đưa ra trong một buổi lên lớp.  Để có tình huống pháp lý, giảng viên có thể tìm kiếm bằng nhiều nguồn khác nhau như: báo chí, tòa án, sinh viên, hoạt động thực tiễn của giảng viên…

Thứ ba, hoạt động ngoại khóa phải được tổ chức thường xuyên trong từng học kỳ thông qua các hình thức như:

- Thảo luận, tọa đàm về các nội dung, các đề tài pháp luật.

- Tổ chức nghe, nói chuyện chuyên đề pháp luật, xem phim, xem tiểu phẩm.

- Tổ chức đi thực tế, dự phiên tòa.

- Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, thi văn nghệ với chủ đề pháp luật, tổ chức giao lưu giữa các trường, các khoa, các lớp.

- Thành lập các câu lạc bộ pháp luật, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo chủ đề pháp luật.

- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng.

-  Tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ pháp luật.

Thứ tư, thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc trường, có tư cách pháp nhân, để sinh viên có cơ hội thực hành các kỹ năng việc làm như:

- Tư vấn pháp lý cho các cá nhân, tổ chức.

- Đàm phán, thương lượng trong việc giải quyết tranh chấp và ký kết các loại hợp đồng.

-  Đại diện cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia tố tụng trong vai trò nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

-  Đọc hiểu, tóm tắt một văn bản quy phạm pháp luật hoặc những điểm mới của một văn bản quy phạm pháp luật.

-  Soạn thảo các loại hợp đồng chặc chẽ, hạn chế thấp nhất rủi ro pháp lý; soạn thảo các văn bản hành chính thông thường như thông báo, báo cáo, công văn, biên bản, tờ trình, kế hoạch, đơn từ, giấy giới thiệu, giấy đi đường, nội quy, quy chế, thỏa ước….

-  Vận dụng ngôn ngữ, trình bày một cách thuyết phục, logic trước đám đông về một vần đề pháp lý.

Thứ năm, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, công ty luật, văn phòng luật, tòa án, viện kiểm sát, hội luật gia, phòng công chứng, thừa phát lại, tổ chức tài chính để mời doanh nhân, chuyên gia pháp lý, luật sư có uy tín đến chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cũng như gửi sinh viên đến thực tập.

Thứ sáu, Khoa Công nghệ nghiên cứu cho ra phần mền để sử dụng điện thoại thông minh trong việc dạy và học một số môn trong chương trình đào tạo cử nhân luật. Theo cách này giáo viên không giở giáo án ra giảng bài và học sinh cũng không ghi chép nhiều như trước đây. Sinh viên có thể sử dụng điện thoại thông minh để làm bài, gửi bài, phản hồi ý kiến; thông qua đó giảng viên có thể điều chỉnh, đánh giá kết quả. Giảng viên có thể tương tác với sinh viên ngay, giúp cho việc dạy và học đều hiệu quả.

Thứ bảy, Mỗi giảng viên chỉ dạy khoảng ba, bốn môn pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng bài giảng và giảng viên có lực hút hơn đối với sinh viên.

  1. Kết luận

Không có một phương pháp dạy học nào chỉ có ưu điểm mà không có khuyết điểm. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là muốn người học bơi được thì phải cho xuống nước chứ không thể dạy bơi trên bờ. Giảng dạy theo định hướng ứng dụng cũng vậy, phải cho người học thực hành công việc ngay trong nhà trường. Muốn vậy, phải thành lập các mô hình mô phỏng pháp luật để khắc phục tình trạng thừa lý thuyết, thiếu thực hành. Tùy từng đối tượng, học phần, cơ sở vật chất mà người giảng viên linh hoạt sử dụng các phương pháp, kỹ năng, kiến thức cho phù hợp. Nhằm mục đích cao nhất đào tạo người học sau khi ra trường có khả năng làm việc được ngay trong môi trường chuyên nghiệp.   

Thạc sỹ, Luật sư Ngô  Văn Tăng Phước

Bài viết liên quan