ÁP DỤNG MÔ HÌNH “LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC” – “FLIPPED CLASSROOM” – NHẰM MỤC ĐÍCH BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC

 

TÓM TẮT

            Bài viết này nhằm giới thiệu mô hình “Lớp học đảo ngược” – Flipped Classroom và việc áp dụng mô hình vào việc giảng dạy đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mà cụ thể là bồi dưỡng năng lực người học. Đây là một mô hình dạy học được áp dụng ngày càng phổ biến ở một số nước trên thế giới như: Mỹ, Autralia.. Thông qua tổng hợp những nghiên cứu, bài viết trình bày về mô hình dạy học này, đồng thời phân tích những lợi ích cũng như những điểm cần lưu ý khi triển khai mô hình “lớp học đảo ngược”, từ đó đề xuất ứng dụng mô hình này trong hoàn cảnh dạy học ở Việt Nam, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học.

  1. Đặt vấn đề

            Như chúng ta đã biết, nền giáo dục Việt Nam được đặt nền móng từ rất lâu đời, từ thời những ông đồ mặc áo dài the gõ đầu trẻ, đến thời thắp đèn dầu học trong những hầm trú bom, hay đến thời chúng ta, được cắp sách đến trường, được học trong những ngôi trường khang trang, đầy đủ tiện nghi. Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh người Thầy đứng trên bục say sưa giảng bài, người học ngồi dưới cắm cúi, hý hoáy chép từng từ từng chữ. Kết quả sau đó chắc ai trong chúng ta cũng đã nắm được, người học như những cổ máy kiến thức khô khan, không biết ứng dụng hay thực hành vào thực tiễn. Với cách dạy học như vậy, thì liệu nền giáo dục có đạt được mục tiêu giáo dục thiên niên kỉ nhằm tới là đào tạo một con người toàn diện, một công dân toàn cầu với những kỹ năng tự học suốt đời, tư duy phê phán, kỹ năng làm việc trong môi trường hợp tác? Liệu đã đến lúc phải có một cuộc cải cách giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy? Thay vì phải ép người học phải ngồi hàng tiếng đồng hồ nghe những bài giảng chán ngắt, tại sao chúng ta không tận dụng quãng thời gian đó dành cho các hoạt động tương tác trên lớp? Bởi lẽ những hoạt động đó mang lại nhiều giá trị, nhiều lợi ích cho người học hơn. Chính vì lý do đó, người Thầy luôn cố gắng tìm tòi, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và sử dụng linh hoạt những phương pháp dạy học tích cực có thể áp dụng. Tuy nhiên, liệu người Thầy có cảm thấy tự nhiên, dễ dàng và có nhiều “đất” để sử dụng những phương pháp học tập hiện đại và tích cực (phương pháp học tập tích cực – active learning, học tập cộng tác – collaborative learning, học tập phân hóa – differentiated learning hay học tập hướng giải quyết vấn đề - problem based learning…) trong lớp học đã quen với cách học truyền thống không?

            Sau đây, người viết xin đề cập đến mô hình “Lớp học đảo ngược” – Flipped Classroom, một mô hình dạy học được nhiều giảng viên tại các trường học ở Mỹ, Autralia và nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và áp dụng, từ đó đề xuất vận dụng mô hình tại các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam.

  1. Mô hình “Lớp học đảo ngược”

2.1. Một số lợi ích của mô hình lớp học đảo ngược

Mô hình “lớp học đảo ngược” có thể xem là mô hình dạy học kết hợp (Strayer, 2012), là mô hình sử dụng CNTT để hỗ trợ giảng dạy nhằm thúc đẩy quá trình học tập “ở bên ngoài lớp học”. Đây là một mô hình đã và đang ngày càng phổ biến được áp dụng ở bậc đại học, bởi những lợi ích học tập mà nó mang lại (Ark, 2012; Berrett, 2012; Blake, 2011). Nghiên cứu gần đây của nhóm tác giả gồm Means, Toyama, Murphy, Bakia, Jones (2010) để đánh giá hiệu quả của mô hình “lớp học đảo ngược” dựa trên tổng hợp 46 nghiên cứu thực nghiệm trong bối cảnh phổ thông và đại học tại Mỹ và kết luận rằng mô hình này mang lại hiệu quả học tập khi so sánh giữa dạy học theo mô hình “Lớp học đảo ngược” và dạy học theo kiểu truyền thống, nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt về kết quả học tập của người học. Kết quả này là do mô hình “Lớp học đảo ngược” đã tạo ra được môi trường học thực học (deep learning), học có ý nghĩa (meaningful learning) cũng như phát triển tư duy phê phán và hình thức học cấp cao.

 

Về mặt lí luận, mô hình “Lớp học đảo ngược” dựa trên cơ sở lí thuyết về học tập tích cực (active learning). Cụ thể là quan điểm dạy học chủ động khám phá, tiếp cận kiến thức thông qua quá trình tương tác (Vygotsky, 1978). Mô hình này cũng giúp tạo ra môi trường khuyến khích tính tự chủ trong học tập bởi người học có cơ hội học tập theo nhịp độ của riêng mình và trở nên có trách nhiệm với việc xây dựng kiến thức thay vì chờ sự truyền đạt tri thức của thầy cô (tiếp nhận tri thức bị động). Nếu nhìn từ góc độ nhận thức theo thang cấp độ nhận thức của Bloom thì phương thức dạy học này giúp người học phát triển nhận thức qua từng cấp bậc: ghi nhớ, hiểu (giai đoạn tiếp cận với tài liệu), và sau đó là ứng dụng, phân tích, tổng hợp (giai đoạn xử lý thông tin, xây dựng kiến thức thông qua các hoạt động học tập do giảng viên tổ chức trên lớp).

Như vậy, mô hình “lớp học đảo ngược” là gì?

Trong lớp học truyền thống, người học sẽ được nghe giảng bài, và sau đó làm bài tập thực hành tại lớp hoặc tại nhà để xử lý thông tin và tiếp nhận kiến thức. Ngược lại, theo Brame (2013), đối với mô hình “Lớp học đảo ngược”, người học sẽ phải tự làm việc với bài giảng trước thông qua đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng thông qua các phương tiện hỗ trợ như băng hình, trình chiếu PowperPoint, và khai thác tài liệu trên mạng. Bài giảng trở thành bài tập ở nhà mà người học phải chuẩn bị trước khi lên lớp. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động giải bài tập, ứng dụng lí thuyết bài giảng vào giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm để xây dựng hiểu biết dưới sự hướng dẫn của giảng viên; thay vì thuyết giảng, trong lớp học giảng viên đóng vai trò là người điều tiết hỗ trợ, có thể giúp học sinh giải quyết những điểm khó hiểu trong bài học mới.

          

Như vậy, nhờ vào phương tiện lưu trữ bằng công nghệ thông tin, bài giảng có thể tái sử dụng dễ dàng, đặc biệt là người học có thể nghe, xem nhiều lần cho đến khi hiểu bài. Vì vậy, mô hình này tạo cơ hội bình đẳng về tiếp nhận thông tin kiến thức. Những sinh viên tiếp thu chậm có nhiều cơ hội để tiêu hóa kiến thức thông tin.

Ngoài ra, giảng viên không lo sợ bài giảng ‘bị cháy giáo án’, sinh viên không phải lo lắng về áp lực phải hoàn thành bài tập và các nghiên cứu nhỏ, vì họ có nhiều thời gian để thảo luận và làm bài trên lớp cùng với bạn bè dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Thêm nữa, lớp học đảo ngược tạo môi trường dạy học tăng cường tiếp xúc và tương tác giữa thầy và trò, và giữa trò với nhau, là sự kết hợp giữa dạy trực tiếp và học thông qua xây dựng kiến thức, tạo ra cơ hội cá nhân hoá quá trình giáo dục, chứ không phải là một sự thay thế người thầy hoàn toàn bằng băng ghi hình như mô hình học trực tuyến.

2.2. Một số lưu ý khi áp dụng mô hình lớp học đảo ngược

Bên cạnh những thuận lợi đó, cũng có một số lo ngại khi sử dụng mô hình này:

- Giảng viên phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị bài giảng điện tử để đưa lên mạng, cũng như trình độ sử dụng CNTT của giảng viên. Tuy nhiên, về lâu dài, giảng viên có thể tiết kiệm thời gian khi sử dụng bài giảng nhiều lần, nhưng cũng phải thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các thông tin mới.

- Sự bình đẳng về công nghệ giữa người học với nhau, có thể là rào cản đối với việc học tập của sinh viên thiếu cơ hội tiếp cận với công nghệ. Điều này có thể khắc phục khi người học được hướng dẫn ngay từ đầu các kỹ năng cơ bản ứng dụng CNTT trong học tập như: truy cập và sử dụng tài liệu trên mạng … 

- Nhiều sinh viên chưa có thói quen học tập theo mô hình này, nên sẽ gặp khó khăn và thậm chí lơ là không chịu chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Tuy nhiên, giảng viên có thể kiểm soát sinh viên thông qua các hoạt động hỗ trợ như trả lời câu hỏi, đặt câu hỏi và yêu cầu sinh viên trả lời khi nghe bài giảng ở nhà, theo dõi thông qua hệ thống quản lý hoạt động truy cập của người học.

- Việc chuyển đổi vai trò từ truyền thụ sang hướng dẫn có lẽ rào cản lớn nhất đối với bản thân của mỗi người Thầy.

- Mô hình “Lớp học đảo ngược” không phải có thể vận dụng cho tất cả nội dung dạy học, vì vậy giảng viên cần phải có sự chọn lọc khi sử dụng mô hình này. Nghiên cứu của Jeremy Strayer năm 2007 thực hiện tại Đại học bang Ohio hay của Gardner năm 2012 tại Đại học Bang Tennessee chỉ ra rằng mô hình này phù hợp với việc giảng dạy các khái niệm cơ bản, mô hình, cơ chế hoạt động, hoặc kiến thức thuộc loại quy trình (procedural knowledge), phương thức này cũng sử dụng hiệu quả đối với dạy học bằng dự án (Sams & Bergmann, 2013).

2.3. Làm thế nào để đảo ngược lớp học?

Một trong những bước để nghịch đảo bài giảng trong việc triển khai mô hình “lớp học đảo ngược” là từng bước thiết kế các đoạn băng hình bài giảng và đưa lên hệ thống quản lý học tập như: E-learning, Moodle để người học có thể truy cập. Sau đây là một số bước chuẩn bị một bài giảng bằng ghi hình:

 - Xác định mục tiêu bài giảng và cân nhắc thật kỹ liệu bài giảng có phù hợp với việc sử dụng băng ghi hình không.

 - Thiết kế bài giảng bằng phần mềm PowerPoint.

 - Chuẩn bị các thiết bị ghi âm và hình: Webcam, Mi-cờ-rô.

 - Sử dụng phần mềm Camtasia Studio để kết hợp trình chiếu PowerPoint và ghi âm bài giảng.

 -  Đưa bài giảng lên hệ thống quản lý học tập hoặc chép ra đĩa CD.

Các công cụ thường được sử dụng để tạo hoặc đăng tải bài giảng ghi hình:

  • Youtube để lưu trữ bài giảng Video
  • Google Drive để lưu trữ các tài nguyên liên quan
  • Google Spreedsheet là công cụ để làm progress tracking
  • OnlineQuizCreator là công cụ làm Quiz
  • Blogger/WordPress để viết Reflection
  • Facebook/Gmail để trao đổi trực tuyến
  1. Đề xuất

Để việc áp dụng mô hình lớp học đảo ngược tại các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học đạt hiệu quả, người viết cũng xin đề xuất một số ý kiến như sau:

Một là, chú trọng việc nâng cao ý thức tự giác học tập của người học bằng cách thay đổi phương pháp giảng dạy ngay từ các bậc đào tạo cấp THCS, THPT: chuyển từ lối giảng dạy theo cách truyền đạt kiến thức sang giảng dạy tích cực, bồi dưỡng năng lực người học. Việc này phải được áp dụng một cách tích cực và triệt để.

Hai là, tổ chức các đợt tập huấn trên diện rộng cho giáo viên, giảng viên về cách ứng dụng CNTT vào việc thiết kế bài giảng.

Ba là, các cơ sở giáo dục đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của người dạy và người học. Hỗ trợ người dạy các công cụ để tạo bài giảng mô hình lớp học đảo ngược.

Bốn là, thay đổi cách đánh giá năng lực người học: người dạy có thể tạo bài tập, rà soát và cho điểm dễ dàng thông qua Google Drive.

Năm là, các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học phải tự nghiên cứu, tiến hành áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trên một số học phần. Qua đó, tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ phía người dạy, người học, cũng như đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm.

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu với những điểm mạnh và hạn chế của mô hình “Lớp học đảo ngược”, người viết nghĩ rằng có thể ứng dụng mô hình dạy học này tại các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam khi điều kiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập ngày càng tốt hơn. Mô hình này sẽ giúp nâng cao ý thức, thái độ và trách nhiệm học tập và đồng thời tạo ra thói quen học hợp tác ở người học, những thái độ và kỹ năng không thể thiếu đối với người công dân tương lai, cho dù ở trong hoàn cảnh văn hoá xã hội nào.

Để triển khai và ứng dụng tốt mô hình này, điều quan trọng là giảng viên cần thiết kế các hoạt động sao cho thu hút người học và gắn kết người học thành một cộng đồng học tập. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần phải xây dựng một hệ thống quản lý học tập để quản lý các tài nguyên học tập (clip bài giảng..) cũng như quản lý hoạt động truy cập của người học. …

ThS. Nguyễn Đăng Bắc

Phụ trách Khoa Khoa học và Công nghệ

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1]. Ark, T.V. June, 29, 2012. Blended Learning Can Improve Working Conditions, Teaching & Learning. Retrieved from http://gettingsmart.com/blog/2012/06/blend ed-learning-can-improveworkingconditions-teaching-learning/

[2]. Berrett, D., 2012. How ‘flipping’ the classroom can improve the traditional lecture. Chronicle of Higher Education. Retrieved from http://chronicle.com/article/How-Flippingthe-Classroom/130857/

[3]. Blake, R.J., 2011. Current trends in online language learning. Annual Review of Applied Linguistics 31, 19-35

[4]. Brame, C., 2013. Flipping the Classroom. Center for Teaching. Retrieved from http://cft.vanderbilt.edu/teachingguides/teaching-activities/flipping-theclassroom/

[5]. Means, B., Toyama, Y., Murphy, R., Bakia, M., Jones, K., 2010. Evaluation of Evidence-Based Practices in Online Learning: A Meta-Analysis and Review of Online Learning Studies. Retrieved from http://thejournal.com/articles/2009/07/01/m eta-analysis-is-blended-learning-mosteffective.aspx

[6]. Sams, A. & Bergmann, J. 2013. Flip your students’ learning. Educational Leadership. Retrieved from www. ascd.org

[7]. Vygotsky, L., 1978. Mind in Society: The Development of Higher Psychological Processes. Cambridge: Cambridge University Press

 

Bài viết liên quan

 

VP Khoa: Tầng 1, 79 Mai Thị Dõng, Xã Vĩnh ngọc, Nha Trang, Khánh Hòa

Email: [email protected]